Hiện nay, các trà lúa đang giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh đến thu hoạch. Để đảm bảo an toàn sâu bệnh từ nay đến cuối vụ, các địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo phòng trừ một số đối tượng gây hại sau:
1. Rầy các loại (Rầy nâu, rầy xám, rầy lưng trắng):
* Hiện tại: Tổng diện tích nhiễm trong kỳ 6.571 ha, trong đó nhiễm nặng 560 ha; diện tích đã phòng trừ 4.153ha, mật độ phổ biến từ 20 - 40 con/m2, cao 80 - 120 con/m2, cơ bản đã đảm bảo an toàn. Diện tích chưa phun trừ mật độ rầy phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 1000 - 2.000 con/m2, cục bộ ổ 3.200 - 4.800 con/2 (Việt Trì), phát dục chủ yếu tuổi 1, 2, 3; trứng phổ biến 10 - 30 ổ/m2, cao 80 - 170 ổ/m2.
* Dự báo: Rầy tiếp tục tích luỹ và gia tăng mật độ, gây hại trên lúa giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Diện tích cần tiếp tục phòng trừ từ nay đến ngày 25/5 khoảng 1.500 ha (Diện tích gieo, cấy lại có thể kéo dài thời gian phòng trừ đến 30/5); các huyện cần chú ý: Việt Trì, Phù Ninh, Thanh Ba, Cẩm Khê, Yên Lập, Đoan Hùng…
* Biện pháp kỹ thuật phòng trừ: Chỉ phun thuốc khi ruộng có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm), sử dụng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Victory 585EC, Bassa 50EC, Nibas 50ND,... pha theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì. Lưu ý: Phải rẽ băng rộng 0,8 - 1,2 m và phun kỹ vào gốc lúa.
2. Bệnh khô vằn:
* Hiện tại: Tổng diện tích nhiễm 16.330 ha, trong đó nhiễm nặng 1.162 ha. Diện tích đã phòng trừ 9.018 ha cơ bản bệnh đã dừng, không phát triển. Những diện tích chưa phòng trừ bệnh hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; tỷ lệ bệnh hại phổ biến 4 - 8%, cao 20 - 40%, cục bộ ổ 55 - 72% (Lâm Thao, Hạ Hoà, Việt Trì).
* Dự báo: Những diện tích chưa phun phòng trừ, bệnh tiếp tục lây lan và gây hại bộ lá đòng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng rậm rạp, xanh tốt, bón nhiều đạm, ruộng khô hạn. Dự kiến diện tích cần tiếp tục phòng trừ khoảng 1.000 ha. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Hạ Hoà, Việt Trì, Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Ba,...
* Biện pháp kỹ thuật phòng trừ: Khi ruộng có tỷ lệ bệnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Cavil 50WP, Lervil 5SC, Jinggangmeisu 10WP,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:
* Hiện tại: Tổng diện tích nhiễm 1.041 ha, trong đó nhiễm nặng 97 ha; diện tích đã phòng trừ 325 ha, bệnh đã dừng, không phát triển; những diện tích chưa phòng trừ bệnh hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; tỷ lệ hại phổ biến 4 - 8%, cao 16 - 25%, cục bộ ổ 42 - 65% (Hạ Hoà, Cẩm Khê).
* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết có mưa bão, bệnh có khả năng tiếp tục phát triển, lây lan gây hại bộ lá đòng; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng, đặc biệt chú ý trên các giống lúa lai, trên ruộng xanh tốt, lá rậm rạp. Dự kiến diện tích cần tiếp tục phòng trừ khoảng 200 ha, các huyện đã có nguồn bệnh cần chú ý: Hạ Hoà, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Ba,…
* Biện pháp kỹ thuật phòng trừ: : Khi ruộng chớm bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc: Starwiner 20WP, Xanthomix 20WP, Sansai 200WP, Sasa 25WP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.
4. Ngoài ra: Chú ý phòng trừ các ổ bọ xít dài gây hại trên những diện tích lúa trỗ muộn bằng các loại thuốc đặc hiệu.
Thời gian từ nay đến cuối vụ không còn dài, Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thành, thị tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đôn đốc tổ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân, tiếp tục kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ triệt để các đối tượng sâu bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất./.