Chủ Nhật, 8/12/2024
Thông báo sâu bệnh tháng 4, Dự báo sâu bệnh tháng 5 năm 2016
Gửi bài In bài

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT PHÚ THỌ

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

Số:        /TB-BVTV

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

Phú Thọ, ngày 28 tháng 4 năm 2016

 

THÔNG BÁO

Tình hình sâu bệnh tháng 4/2016

 Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 5/2016 


I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 4/2016:

1. Trên cây lúa:

- Bệnh đạo ôn: Phát sinh và vây hại tại tất cả các huyện, thành thị; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm 127,0 ha, trong đó nhiễm nhẹ 125,4 ha, trung bình 0,5 ha, nhiễm nặng 1,1 ha. Diện tích phòng trừ 127 ha, trong đó phòng trừ lần 2 là 23,5 ha.

- Chuột: Phát sinh và gây hại tại tất cả các huyện, thành thị; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm 1.011,6 ha, trong đó nhiễm nhẹ 878,1 ha, trung bình 119,5 ha, nặng 14,0 ha. Diện tích phòng trừ 383,6 ha, trong đó phòng trừ lần 2 là 128 ha.

- Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại tại tất cả các huyện, thành thị; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm 3.107,3 ha, trong đó nhiễm nhẹ 2.841,1 ha, trung bình 260,4 ha, nặng 5,8 ha. Diện tích phòng trừ 256,5 ha.

- Rầy các loại: Phát sinh và gây hại nhẹ tại tất cả các huyện, thành thị. Diện tích nhiễm 194,5 ha.

- Sâu đục thân: Phát sinh và gây hại nhẹ tại các huyện Thanh Thủy, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba, Việt Trì, Yên Lập. Diện tích nhiễm 91,4 ha.

- Ruồi đục nõn: Phát sinh và gây hại nhẹ tại Tân Sơn, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy, Yên Lập. Diện tích nhiễm 435,4 ha.

- Ngoài ra: Bọ trĩ, bệnh sinh lý gây hại nhẹ. Sâu cuốn lá, bọ xít đen, bọ xít dài, bệnh bạc lá gây hại rải rác.

2. Trên cây ngô:

- Sâu xám: Phát sinh và gây hại nhẹ tại Tân Sơn. Diện tích nhiễm 37,9 ha.

- Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại nhẹ tại các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa. Diện tích nhiễm 65,0 ha.

- Ngoài ra: Chuột, sâu đục thân bắp, sâu cắn lá, bệnh đốm lá, rệp cờ hại rải rác.

3. Trên cây chè:

- Rầy xanh: Phát sinh và gây hại tại các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Cẩm Khê; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 1.238,0 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.122,0 ha, trung bình 116,0 ha. Diện tích phòng trừ 249,3 ha.

- Bọ cánh tơ: Phát sinh và gây hại tại các huyện Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Cẩm Khê; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Tổng diện tích nhiễm 796,3 ha, trong đó nhiễm nhẹ 480,2 ha, trung bình 316,1 ha.

- Bọ xít muỗi: Phát sinh và gây hại nhẹ tại các huyện Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba. Diện tích nhiễm 372,9 ha.

- Nhện đỏ: Phát sinh và gây hại nhẹ tại các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Ba. Diện tích nhiễm 602,7 ha.

- Ngoài ra: Bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá hại rải rác.

4. Trên cây ăn quả:

- Nhện đỏ: Phát sinh và gây hại nhẹ trên cây bưởi tại huyện Đoan Hùng. Diện tích nhiễm 46,2 ha. Diện tích phòng trừ 42,2 ha.

- Ngoài ra: Bệnh chảy gôm, bệnh loét, sâu vẽ bùa, rệp sáp, sâu ăn lá, ... phát sinh và gây hại rải rác trên cây bưởi.

5. Trên cây lâm nghiệp:

- Châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện tại 3 xã Minh Tiến, Tiêu Sơn và Vân Đồn của huyện Đoan Hùng. Tổng diện tích nhiễm là 21,27 ha, trong đó trên đồi rừng, bờ cỏ, bờ tre là 21,17 ha; trên lúa, ngô là 0,1 ha. Diện tích phòng trừ 20,77 ha.

- Ngoài ra: Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô cành lá hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 5/2016:

1. Trên cây lúa:

- Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại mạnh trên các trà lúa từ giai đoạn làm đòng, trỗ đến chắc xanh; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón không cân đối.

- Rầy các loại: tiếp tục tích lũy và gia tăng mật độ gây hại trên các trà lúa; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy chòm, cháy ổ từ 10/5/2015 trở đi. Các huyện cần chú ý: Cẩm Khê, Việt Trì, Yên Lập, Thanh Sơn, Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba, …

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Trong điều kiện thời tiết có mưa bão, bệnh phát sinh, lây lan nhanh và gây hại mạnh trên các trà; mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng trên các giống lúa lai, ruộng xanh tốt, gây cháy bộ lá đòng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Các huyện đã có nguồn bệnh cần chú ý: Thanh Ba, Thanh Sơn, Lâm Thao, ...

- Bệnh đạo ôn: Điều kiện thời tiết mát, trời âm u, có mưa nhỏ, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại. Đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện và gây hại trà lúa trỗ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên ruộng đã nhiễm đạo ôn lá. Cần lưu ý trên các giống nhiễm như Nếp, BC15, Xi23, X21, HT1, NƯ838, J02, KD18,...

- Ngoài ra: Bọ xít dài, sâu đục thân,.. gây hại nhẹ; chuột hại cục bộ.

2. Trên cây ngô: Sâu đục thân đục bắp, chuột, rệp, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá hại nhẹ đền trung bình.

3. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh thối búp, bệnh đốm nâu, đốm xám gây hại nhẹ.

4. Trên cây ăn quả: Các đối tượng bệnh chảy gôm, bệnh loét, sâu ăn lá, rệp sáp, nhện đỏ, sâu đục quả, bệnh thối quả hại rải rác trên cây bưởi.

5. Trên cây lâm nghiệp: Châu chấu tre lưng vàng tiếp tục phát sinh và gây hại trên tre, mai, luồng; lưu ý các huyện đã xuất hiện châu chấu gây hại các năm trước: Đoan Hùng, Tam Nông, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Yên Lập. Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô lá gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.

III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1. Trên lúa: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo Văn bản số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh vượt ngưỡng:

- Bệnh khô vằn: Khi phát hiện ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh khô vằn đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ:  Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Rầy các loại: Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng bằng các thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Victory 585 EC, Nibas 50 EC, Rockfos 550 EC, Babsac 600 EC, ...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng chớm bị bệnh, cần phòng trừ bằng bằng các thuốc trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Xanthomix 20WP, Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, ...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học (nhất là đạm) và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, tiến hành phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh đạo ôn đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Sako 25WP, Funhat 40WP, Fu-army 30WP, Katana 20SC, Sieubem 777WP,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Nếu ruộng bị nặng phải phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá. Khi lúa vào giai đoạn trỗ bông, những ruộng đã bị đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông, nếu thời tiết âm u và có ẩm độ cao.

- Ngoài ra: Theo dõi và phòng trừ kịp thời bọ xít dài, sâu đục thân,..; tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.

2. Trên ngô xuân: Tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ cho cây ngô. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích ngô có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên ngô. Pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Tích cực diệt chuột bằng biện pháp kỹ thuật tổng hợp.

3. Trên chè: Chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, bón phân đầy đủ cân đối, trồng cây che bóng với mật độ hợp lý. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên chè. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi thu hái.

4. Trên cây ăn quả: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thường xuyên theo dõi và chỉ phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký. Pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

5. Trên cây lâm nghiệp:

- Kiểm tra phát hiện và tiến hành phòng trừ kịp thời các ổ châu chấu phát sinh gây hại trên tre, mai, luồng. Khi phát hiện cần áp dụng tổng hợp các biện pháp để tiêu diệt châu chấu, trong đó coi trọng biện pháp thủ công, vợt bắt những ổ còn co cụm ở trên mặt đất, ruộng lúa, bờ cỏ đem tiêu hủy. Đối với những ổ châu chấu trên đồi rừng, khó áp dụng biện pháp thủ công hoặc châu chấu đã di chuyển, tổ chức các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch để tiêu diệt. Sử dụng thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có tác dụng tiếp xúc mạnh (Ví dụ: F16 600EC, Victory 585EC, Rockfos 550 EC...), pha và phun theo hướng dẫn hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Ngoài ra: Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây keo, bạch đàn, bồ đề./.

Nơi nhận:

- Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc (b/c);

- PGĐ Sở (Ô. Anh) (b/c);

- UBND các huyện, thành, thị;

- Lãnh đạo, các phòng, trạm thuộc Chi cục;

- Lưu: VT, KT.

CHI CỤC TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

 

Phan Văn Đạo

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn