Thứ Năm, 18/4/2024
Thông báo sâu bệnh tháng 7, dự báo tình hình sâu bệnh tháng 8 năm 2017
Gửi bài In bài

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 07/2017:

1. Trên cây lúa:

- Bệnh sinh lý (Vàng lá): Tỷ lệ dảnh hại trung bình 1,8 - 8,2%; cao 10 - 20%; cục bộ 22 - 38% (Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Sơn). Diện tích nhiễm  2.898,2 ha (nhiễm nhẹ 2.136,9 ha, nhiễm trung bình 761,3 ha), Tăng so với cùng kỳ năm trước 2.444,6 ha; diện tích đã phòng trừ 855,5 ha. (Những diện thích khắc phục, cây lúa đã ra rễ và lá mới đang sinh trưởng và phát triển bình thường).

- Sâu cuốn lá nhỏ: Mật độ trung bình 7,0 - 17 con/m2, cao 24 - 48 con/m2, cục bộ 50 - 60 con/m2 (Việt Trì, Phù Ninh, Tam Nông, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba). Diện tích nhiễm 1.744,1 ha (nhiễm nhẹ  1.278,7 ha, nhiễm trung bình 873,3 ha), Giảm so với cùng kỳ năm trước 7.598,7 ha; diện tích đã phòng trừ 1.180 ha.

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ bệnh trung bình  2,4 - 8,8%, cao 12 - 20%. Diện tích nhiễm 692,2 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại huyện Lâm Thao, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập (Tăng so với cùng kỳ năm trước 692,2 ha).

- Rầy các loại: Mật độ trung bình 35 - 80 con/m2, cao 120 - 360 con/m2, cục bộ 980 con/m2. Diện tích nhiễm 122,1 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại Yên Lập (Tăng so với cùng kỳ năm trước 122,1 ha).

- Chuột: Tỷ lệ dảnh hại trung bình 0,4 - 3,0%, cao 4,0 - 9,2%. Diện tích bị hại 946,2 ha (nhiễm nhẹ  858,9 ha, nhiễm trung bình 87,3 ha) tại các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Ba, Việt Trì, Cẩm Khê, Tam Nông (Tăng so với cùng kỳ năm trước 946,2 ha).

- Ốc bươu vàng: Mật độ trung bình 0,2 - 1 con/m2, cao 3 con/m2. Diện tích nhiễm 742,3 ha (Diện tích nhiễm nhẹ 643,9 ha; Nhiễm trung bình 98,4 ha) tại Tam Nông, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tân Sơn Yên Lập, Phù Ninh.  (Giảm so với cùng kỳ năm trước 149,1 ha).

- Sâu đục thân: Tỷ lệ dảnh hại trung bình 0,5 - 2,0%, cao 4,2 - 6,5%; diện tích nhiễm 93,3 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại Phù Ninh (Giảm so với cùng kỳ năm trước 228,3 ha).

- Ngoài ra: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện hại rải rác.

2. Trên cây chè:

- Rầy xanh: Tỷ lệ búp hại phổ biến 0,4 - 4,0%, cao 6,0 - 12%. Diện tích nhiễm 1.862,7 ha (nhiễm nhẹ 1.264,9 ha, nhiễm trung bình 597,8 ha) tại các huyện Tân Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Thanh Ba, Yên Lập (Tăng so với cùng kỳ năm trước 688,1 ha). Diện tích đã phòng 397,7 ha.

- Bọ xít muỗi: Tỷ lệ búp hại phổ biến 0,4 - 4,0%, cao 5,0 - 14%. Diện tích nhiễm 1.793,0 ha (nhiễm nhẹ 1.677,0 ha, nhiễm trung bình 116,0 ha) tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Ba, Cẩm Khê, Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa (Tăng so với cùng kỳ năm trước 665,8 ha).

- Nhện đỏ: Tỷ lệ lá hại phổ biến 2,0 - 4,0%, cao 8,0 - 12%. Diện tích nhiễm 408,6 ha (nhiễm nhẹ 10,8 ha, nhiễm trung bình 397,7 ha) tại Hạ Hòa (Tăng so với cùng kỳ năm trước 17,6 ha); diện tích đã phòng trừ 397,7 ha.

- Bọ cánh tơ: tỷ lệ búp hại phổ biến 0,4 - 4,0%, cao 7,0 - 10%. Diện tích nhiễm 1.393,1 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại các huyện Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập (Giảm so với cùng kỳ năm trước 112,8 ha).

- Bệnh đốm nâu: Tỷ lệ lá hại trung bình 1,0 - 4,0%, cao 8,0 - 12%. Diện tích nhiễm 79,0 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại Thanh Sơn (Giảm so với cùng kỳ năm trước 24,7 ha).

- Ngoài ra: Bệnh đốm xám gây hại rải rác.

3. Trên cây ngô hè:

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ bệnh phổ biến 0,8 - 1,0%, cao 11,8 - 12%; diện tích nhiễm 36,2 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại huyện Đoan Hùng, Phù Ninh.

- Bệnh đốm lá nhỏ: Tỷ lệ bệnh trung bình 0,9%, cao 15%. Diện tích nhiễm 21,5 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại huyện Đoan Hùng.

- Ngoài ra: Sâu cắn lá, rệp cờ, sâu đục thân, bắp, bệnh sinh lý hại rải rác. Chuột hại cục bộ.

4. Trên cây ăn quả: Bệnh loét, bệnh thán thư, bệnh chảy gôm, nhện đỏ, sâu vẽ bùa, rệp phát sinh gây hại rải rác trên bưởi. Nhện lông nhung, bọ xít nâu hại rải rác trên cây nhãn, vải.

5. Trên cây lâm nghiệp:

- Sâu xanh ăn lá trên cây Bồ đề phát sinh và gây hại tại xã Lai Đồng, Mỹ Thuận - Tân Sơn; Mật độ phổ biến 50 - 70 con/cây, cao 100 - 150 con/cây, cục bộ 200 - 300 con/cây. Diện tích nhiễm 12,0 ha (nhiễm nhẹ 5,0 ha; nhiễm nặng 7,0 ha; diện tích đã phòng trừ là 12,0 ha.

- Ngoài ra: Bệnh chết héo trên cây keo hại nhẹ. Bệnh đốm lá, bệnh chết ngược, sâu ăn lá, bệnh phấn trắng phát sinh gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 08/2017:

1. Trên cây lúa:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non đang chuyển lứa, trưởng thành sẽ ra rộ từ ngày 05 - 10/8/2017; sâu non lứa 6 gây hại từ ngày 14/8/2017 trở đi (Sớm hơn so với cùng kỳ năm 2016 khoảng 5-7 ngày) và gây hại mạnh trên các trà lúa mùa. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng trên 9.000 ha. Các huyện có diện tích dự kiến cần phòng trừ lớn: Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Lâm Thao, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy...

- Sâu đục thân hai chấm: Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm lứa 4 sẽ ra rộ từ ngày 06 - 13/8/2017, sâu non gây hại từ 14/8/2017 trở đi trên các trà lúa mùa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Việt Trì, Phù Ninh,Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Ba, .... Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng trên 1.000 ha.

- Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại trên tất cả các trà lúa mùa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa xanh rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Phù Ninh, Thanh Thủy, Cẩm Khê,... Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong tháng 8 khoảng trên 6.000 ha.

- Bệnh sinh lý: Tiếp tục gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng không chủ động tiêu thoát nước, ruộng hẩu, ruộng dộc chua, ... . Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Hạ Hòa, Thanh Sơn,... .

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thời gian tới tiếp tục có mưa lớn kèm theo dông bão, bệnh dễ phát sinh gây hại, nhất là trên những diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh, trên giống nhiễm (Nhị ưu số 7, nhị ưu 838, Thiên ưu 8, GS9,...). Các huyện cần lưu ý: Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Thanh Sơn, ...

- Ngoài ra: Rầy các loại tiếp tục tích lũy mật độ, gây hại rải rác; bọ xít dài gây hại cục bộ trên những diện tích lúa trỗ sớm; chuột tiếp tục gây hại cục bộ trên những diện tích ven làng, gò, ven trang trại chăn nuôi...

2. Trên cây ngô hè: Sâu đục thân, bắp, bệnh khô vằn,bệnh đốm lá hại nhẹ đến trung bình. Sâu ăn lá, chuột hại rải rác.

3. Trên cây chè: Bọ cánh tơ, rầy xanh, bọ xít muỗi, nhện đỏ hại nhẹ đến trung bình; bệnh đốm nâu, đốm xám hại rải rác.

4. Trên cây ăn quả: Nhện đỏ, rệp, sâu vẽ bùa, bệnh loét, bệnh chảy gôm, bệnh thán thư hại nhẹ trên bưởi. Nhện lông nhung, bọ xít nâu hại rải rác trên nhãn, vải.

5. Trên cây lâm nghiệp: Sâu xanh tiếp tục nở từ trung tuần tháng 8/2017 trở đi và gây hại trên rừng bồ đề. Bệnh chết héo gây hại cục bộ; bệnh đốm lá, bệnh khô lá, bệnh phấn trắng, sâu ăn lá gây hại rải rác trên cây keo. Sâu ong gây hại cục bộ trên cây mỡ.

III/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Tháng 8/2017 là thời kỳ cao điểm sâu bệnh gây hại lúa vụ mùa, đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, các xã, phường, thị trấn huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra phát hiện và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chi cục giao các Trạm bảo vệ thực vật huyện, thành, thị làm việc cả ngày nghỉ (Thứ 7, chủ nhật), tăng cường điều tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng; ra thông báo 7 ngày/kỳ và tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, phường, thị trấn tập huấn, hướng dẫn cách điều tra phát hiện và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cán bộ khuyến nông và bà con nông dân; viết bài tuyên truyền đọc trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kết hợp áp dụng các biện pháp thủ công để bắt giết trưởng thành và sâu non. Khi ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 20 con/m2 cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, Ví dụ: Clever 300WG, Hd-Fortuner 150EC, Dylan 10WG, Rigell 800WG, Emagold 6.5WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, F16 600EC, Virtako 40WG...

- Sâu đục thân: Áp dụng biện pháp thủ công bẫy đèn, vợt bắt bướm, ngắt ổ trứng. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ trưởng thành cao trên 0,3 con/m2 hoặc ổ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 cần tiến hành phòng trừ bằng các thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, Ví dụ: Victory 585EC, Nicata 95SP, Rigell 800 WG, Wavotox 585EC, F16 600EC,...

Thời gian phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân tốt nhất từ ngày 14/8 - 20/8/2017.

- Bệnh khô vằn: Khi phát hiện ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ ngay bằng các thuốc có trong danh mục, Ví dụ:  Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, Chevil 5SC...

- Bệnh sinh lý: Khi ruộng lúa bị bệnh không bón phân đạm, tăng cường làm cỏ sục bùn. Khắc phục bằng cách bón 10-15 kg vôi bột + 10-15 kg supe lân kết hợp với làm cỏ sục bùn, hoặc sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như XO Sogan siêu ra rễ; XO siêu lân, ...

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc như: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ... 

3. Trên ngô hè: Tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ cho cây ngô. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích ngô có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng. Tích cực diệt chuột bằng biện pháp kỹ thuật tổng hợp.

4. Trên chè:

- Bọ cánh tơ: Khi nương chè có tỷ lệ búp hại trên 10%; có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc được đăng ký trừ bọ cánh tơ trên chè, ví dụ như: Dylan 2EC (10WG), Javitin 36EC, Aremec 36EC, Reasgant 3.6EC, Proclaim 1.9EC, Kuraba 3.6EC, Emaben 2.0EC (3.6WG),...

- Rầy xanh: Khi nương chè có tỷ lệ búp hại trên 10%, có thể sử dụng các loại thuốc được đăng ký trừ rầy xanh hại chè, ví dụ như: Comda gold 5WG, Eska 250EC, Emaben 3.6WG, Actara 25WG, Dylan 2EC,...

- Bọ xít muỗi: Khi nương chè có tỷ lệ búp hại trên 10%; có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc được đăng ký trừ bọ xít muỗi trên chè, ví dụ như: Novimec 1.8EC, Dylan 2EC, Emaben 2.0EC (3.6WG), Voliam targo 063SC, Oshin  100SL,....

- Nhện đỏ: Khi nương chè có tỷ lệ lá hại trên 20%; có thể sử dụng các loại thuốc được đăng ký trừ nhện đỏ trên chè, ví dụ như: Agri-one 1SL, Catex 1.8EC (3.6EC), Tasieu 1.9EC, Kuraba 3.6EC, Benknock 1EC, SK Enspray 99EC, Comite(R) 73EC, Daisy 57EC, Alfamite 15EC, Sokupi 0.36SL, Rufast 3EC,…

5. Trên cây bưởi:

- Nhện đỏ: : Khi cây có trên 10% lá, quả bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Brightin 4.0EC, Altivi 0.3EC; Superrex 73EC; Kamai 730EC; Dylan 2EC; Proclaim 1.9EC, Feat 25EC, Comda gold 5WG, Eska 250EC, Tasieu 1.9EC, Alfamite 15EC, SK Enspray  99EC, Citrole 96.3EC,…

- Bệnh chảy gôm: Khi trên vườn có trên 10% thân cây bị hại hoặc trên 25% số cành bị hại, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như: Stifano 5.5SL, Sat 4SL, MAP Green 6SL, Xanized 72WP, Tungsin-M 72WP, Alpine 80WP (80WG), ...

- Bệnh loét: Khi cây có trên 10% lá, quả bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như: Dupont TM Kocide  46.1 WG, PN - Coppercide 50WP, Vidoc 80WP, Batocide 12WP,....

- Rệp sáp: Khi cây có trên 25%  cành, lá bị hại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, ví dụ như thuốc: Biomax 1EC, Applaud 25SC, Hello 700WG, Map - Judo 25WP, Taron 50EC, Actara 25WG,...

6. Trên cây lâm nghiệp:

- Bệnh chết héo cây keo: Tăng cường điều tra, phát hiện các diện tích keo bị nhiễm bện. Hiện nay, chưa có thuốc hướng dẫn phòng trừ đối với bệnh chết héo trên cây keo, trước mắt tạm thời sử dụng một số loại thuốc BVTV có chứa các hoạt chất như Mancozeb, Metalaxyl-M (ví dụ Ridomil Gold 68WG), Fosetyl-aluminium (ví dụ Aliette 800WG), Propiconazole (ví dụ Tilt super 300EC), Chlorothalonil (ví dụ Daconil 75WP, Binhconil 75WP) pha ở nồng độ 0,1% để phun phòng trừ.

- Sâu xanh ăn lá bồ đề: Tạm thời sử dụng thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam:

+ Với những diện tích rừng có địa hình thấp, nguồn nước thuận lợi, cây tuổi 1-2 (cây còn thấp): Sử dụng những loại thuốc hóa học có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh pha với nước dùng bình phun để phun phòng trừ ví dụ như: Victory 585EC, Wavotox 585EC,...  .

+Với những diện tích rừng tuổi trên 3 năm, địa hình cao, không có nguồn nước: Sử dụng những loại thuốc có hoạt chất Nereistoxin ví dụ như: Neretox 95 WP liều lượng 1,1 kg trộn đều với 6- 7 kg bột nhẹ phun cho 1 ha; Dùng máy phun động cơ phun thuốc dạng bột phun theo từng băng rộng 10 -15 m theo đường đồng mức từ trên xuống dưới.

Lưu ý: Chỉ sử dụng các thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc đối với rau, quả, chè; khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định của địa phương./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn