Thứ Bảy, 23/11/2024
Công văn số 494 /SNN-TT&BVTV. V/v tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân 2019.
Gửi bài In bài

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

 

Hiện nay, trà lúa xuân trung đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, trà lúa xuân muộn đang làm đòng - trỗ bông. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ còn một thời gian ngắn nữa là bước vào thu hoạch lúa xuân sớm. Tuy nhiên, thời tiết trong những ngày qua liên tục có mưa, mưa phùn kéo dài, nhiệt độ thấp, trời thiếu nắng. Đồng thời, theo dự báo, thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có 1 - 2 đợt không khí lạnh, có thể kèm theo mưa, dông lốc. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và rầy gây hại trên các trà lúa, có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới năng suất và sản lượng.

Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành, thị thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo các phòng, trạm chuyên môn, UBND các xã, trị trấn chỉ đạo, đôn đốc tKhuyến nông cơ sở và nông dân bám sát đồng ruộng, tăng cường kiểm tra tình hình sâu bệnh, không chủ quan, lơ là, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5; phân loại đồng ruộng, xác định quy mô diện tích nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng, hướng dẫn phòng trừ kịp thời, không để lây lan, gây hại nặng, cụ thể:

- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, gié: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ, nhất là những vùng có nguy cơ cao như: Trung Thịnh, Đồng Luận, Bảo Yên, Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy), Lương Sơn, Mỹ Lung, Thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập), Kim Đức (TP. Việt Trì), Mai Tùng (huyện Hạ Hoà), Cấp Dẫn (Huyện Cẩm Khê)…; trên các giống lúa nếp, J02, TBR225, Thiên ưu 8, một số giống lúa lai,... Cần phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu ngay sau khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi lúa đã trỗ thoát.

- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Cần chú ý phòng trừ rầy lứa 3 nở vào tuần 3 của tháng 4 trở đi trên diện tích lúa từ chín sữa - chín sáp. Cần phát hiện sớm và phòng trừ ngay khi mật độ cao và rầy tuổi nhỏ (rầy cám). Tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu giám định rầy xanh đuôi đen và rầy lưng trắng mang virus gây bệnh vàng lụi và lùn sọc đen để có biện pháp phòng tránh bệnh hại trên lúa mùa 2019.

- Ngoài ra, cần quan tâm theo dõi và phòng trừ bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn khi ẩm độ không khí cao, sau những trận mưa dông và ruộng trũng, hẩu, bón thừa đạm, giống có bản lá to, mướt; phòng trừ sâu đục thân hai chấm, bọ xít trên diện tích lúa trỗ muộn.

2. Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân nhận biết các đối tượng sâu hại và cách phòng trừ. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng", thực hiện phòng trừ theo hướng dẫn của các trạm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

* Giám đốc Sở yêu cầu:

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Tổ chức trực, phân công cán bộ làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ trong thời gian cao điểm từ nay đến giữa tháng 5/2019. Tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, ra thông báo và tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Tiếp tục thu mẫu rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen để giám định nguồn vius gây bệnh.

- Trưởng các phòng chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trong ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung trên./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn