Thứ Bảy, 23/11/2024
Phương án bảo vệ thực vật vụ Chiêm xuân năm 2016 - 2017
Gửi bài In bài

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT PHÚ THỌ

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

Số: 401/PA-BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 

    Phú Thọ, ngày 20 tháng 12 năm 2016

 

PHƯƠNG ÁN

Bảo vệ thực vật vụ Chiêm xuân năm 2016 - 2017 


I/ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ SẢN XUẤT:

1. Thời tiết:

- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, thời tiết vụ Đông xuân 2016 - 2017 sẽ có nền nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn TBNN. Từ tháng 11 đến tháng 12/2016, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Từ  giữa tháng 01/2017 đến tháng 4/2017, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn 0,5 - 1,00C so với TBNN và cùng kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại tập trung nhiều vào thời kỳ giữa tháng 12/2016 đến tháng 01/2017 và có khả năng không kéo dài. Nhìn chung, mùa đông xuân 2016 - 2017 có ít ngày rét đậm - rét hại, tuy nhiên, vẫn phải đề phòng những đợt rét đậm - rét hại có nền nhiệt độ xuống thấp.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa toàn mùa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN: 200 - 300 mm), có nơi xấp xỉ trên TBNN; lượng mưa tháng 11, tháng 12/2016 có khả năng ở mức xấp xỉ dưới và thấp hơn TBNN. Trong những tháng cuối vụ đông xuân từ tháng 01/2017 đến tháng 4/2017, lượng mưa ở mức xấp xỉ trên và cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Lượng dòng chảy trên các sông, suối sẽ ở mức thấp hơn lượng dòng chảy TBNN. Các tháng chính vụ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn.

Thực tế những tháng mùa đông năm nay cho thấy thời tiết ấm hơn, nhiệt độ cao hơn TBNN, cụ thể: Tháng 9 nhiệt độ trung bình 27,9-28,50C cao hơn TBNN 0,8-1,20C; Tháng 10 nhiệt độ trung bình 26,8-27,50C cao hơn TBNN 2-30C; Tháng 11 nhiệt độ trung bình 21,8 - 22,50C, cao hơn TBNN từ 0,8 - 0,90C. Mực nước trung bình tháng trên các sông đa số đều thấp hơn TBNN. Như vậy, vụ đông xuân năm 2016 - 2017 đã phải đối diện với tình trạng khô hạn và thiếu nước, dự báo sẽ còn tiếp diễn ở vụ xuân.

2. Sản xuất:

- Theo Kế hoạch vụ Chiêm xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh triển khai gieo cấy lúa 36.500 ha, cây ngô 5.800 ha, cây lạc 3.400 ha, rau các loại 4.350 ha, sắn 8.300 ha; tiếp tục trồng mới bưởi, rừng sản xuất.

- Cơ cấu giống, cây trồng và thời vụ:

+ Trà lúa xuân trung (20% diện tích): Đối với chân đất vàn thấp (ngập lũ tiểu mãn); Sử dụng các giống lai như: Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Thục hưng 6, ...; đối với chân đất vàn sử dụng giống lúa chất lượng cao như: J02, ĐS1. Thời vụ gieo mạ từ 30/12/2016 - 05/01/2017, cấy khi tuổi mạ đạt 3,5 - 4 lá. Đảm bảo 100% diện tích mạ có che phủ nilon.

+ Trà lúa xuân muộn (80% diện tích): Gieo cấy trên đất chân vàn, vàn cao bằng các giống lúa như: Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, CT16, N.ưu 89, GS9, TH3-3, TH3-5, LC25; lúa thuần: RVT, HT1, KDĐB, Thiên ưu 8, TBR225, Nếp 97, ... . Thời vụ gieo mạ từ 25/01 - 05/02/2017, (tuổi mạ khi cấy đạt 2 - 2,5 lá), đảm bảo 100% diện tích mạ có che phủ nilon; gieo thẳng từ 5 - 15/2/2017.

+ Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày bố trí trên chân cao khó nước, trên đất bãi. Lạc sử dụng các giống L14, MD7, TB25, L26 gieo từ 05 - 15/02/2017. Đậu tương sử dụng các giống DT84, ĐT26 gieo từ 10/02 - 10/3/2017.

+ Cây chè: Chăm sóc và duy trì 16,5 nghìn ha chè đã có.

+ Cây bưởi (bưởi Diễn, bưởi đặc sản Đoan Hùng): Chăm sóc 2.590 ha bưởi đã có; trồng mới bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi Diễn (734 ha/năm).

Theo hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện chưa đến lịch gieo cấy lúa vụ chiêm xuân 2016 - 2017. Nhưng trên đồng ruộng, theo tập quán nhiều địa phương bà con đã tiến hành gieo mạ lúa Chiêm từ tháng 11 dương lịch bằng các giống Xi23, X21, giống nếp dài ngày để cấy trên chân đất sâu trũng; một số nơi đã gieo mạ trà xuân trung trước khung lịch thời vụ bằng một số giống lúa Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, J02, ... làm ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn chăm sóc, đồng thời có nguy cơ phát sinh sâu bệnh sớm và ở mức cao hơn, rất khó khăn cho phòng trừ.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI CÂY TRỒNG TRONG VỤ:

Với tình hình thời tiết vụ đông xuân ấm hơn và tình trạng gieo cấy trước khung lịch thời vụ đang là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại mạnh hơn. Vì vậy, công tác theo dõi, điều tra DTDB và chỉ đạo phòng trừ không được chủ quan, cần quyết liệt ngay từ đầu vụ.

1. Trên cây lúa:

Các đối tượng dịch hại chính gồm: Chuột, rầy các loại, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn. Ngoài ra, ốc bươu vàng, bệnh sinh lý, bọ trĩ, ruồi đục nõn hại đầu vụ; bệnh lùn sọc đen xuất hiện và gây hại ở giai đoạn đẻ nhánh; bọ xít dài gây hại giai đoạn trỗ - ngậm sữa; nhện gié, bệnh đen lép hạt hại cuối vụ. Diễn biến sự phát sinh và gây hại của một số đối tượng chính trong vụ cụ thể như sau:

- Chuột: Gây hại liên tục trong vụ, nhưng nhiều nhất ở giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng.

- Rầy các loại: Rầy xám phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng; rầy nâu, rầy lưng trắng  gây hại mạnh giai đoạn lúa trỗ - chắc xanh. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy ổ. Ngoài gây hại, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Có 3 lứa rầy gây hại trong vụ:

+ Lứa 1: Rầy cám ra rộ từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 trên giai đoạn lúa đẻ nhánh. Lứa này mật độ thấp, không gây hại lớn chỉ tích luỹ mật độ cho lứa sau.

+ Lứa 2: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 4, gây hại trên giai đoạn trỗ - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng gây cháy ổ, cháy chòm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.

+ Lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa xuân trung và xuân muộn giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi. Đây là lứa rầy chính trong vụ có khả năng gây hại nặng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng có thể gây cháy chòm vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Dự kiến diện tích và mức độ gây hại của rầy trên các trà lúa cao hơn năm 2016. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn, Phù Ninh, Việt Trì, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Sơn, ... Các giống cần lưu ý: Xi23, X21, Nếp, Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Thiên ưu 8, HT1, ....

- Sâu đục thân 2 chấm: Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính:

+ Lứa 1: Bướm ra rộ khoảng từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này cây lúa có khả năng tự đền bù sự gây hại do sâu đục thân gây ra, cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc hoá học để bảo vệ thiên địch đầu vụ.

+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc chủ yếu trên trà xuân muộn trỗ trùng thời kỳ bướm rộ, mức độ hại từ nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ.

Dự kiến diện tích và mức độ hại của sâu đục thân 2 chấm có khả năng cao hơn năm 2016. Đặc biệt những huyện có diện tích gieo, cấy sớm hơn so với khung lịch thời vụ.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Có 2 lứa có khả năng gây hại trong vụ:

+ Lứa 1: Bướm ra rộ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, sâu non gây hại rải rác. Mức độ hại nhẹ, không cần phòng trừ.

+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, sâu non gây hại giai đoạn làm đòng, lúa xuân muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại cao hơn năm 2016. Các huyện đều cần quan tâm theo dõi để phòng trừ. Lưu ý: Trên trà xuân muộn, một số các giống lúa lai có bản lá to và mềm.

 - Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn đứng cái, làm đòng - chắc xanh từ cuối tháng 3 đến cuối vụ.

Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại trên tất cả các trà lúa cao hơn năm 2016. Lưu ý: Bệnh hại nặng trên ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón không cân đối.

- Bệnh đạo ôn: Phát sinh gây hại diện hẹp trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ rộ - trỗ bông từ giữa đến cuối tháng 3 và lây lan gây hại mạnh trong tháng 4 đến đầu tháng 5.

Dự kiến diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương năm 2016. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Yên Lập, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê, ... Các giống cần lưu ý: Bệnh hại nặng trên giống nhiễm (Nếp 97, X21, Xi23, ...) và một số giống không có trong hướng dẫn cơ cấu giống nhưng do nông dân tự gieo cấy (BC15, KD18, Q5,...), ruộng lúa xanh tốt, bón thừa đạm.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh và gây hại vào cuối vụ xuân trên tất cả các trà lúa khi lúa ở giai đoạn làm đòng - trỗ chín, phát triển mạnh sau những trận mưa dông. Bệnh thường gây hại nặng trên các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và bón không cân đối, lưu ý trên những ruộng, khu đồng thường xuyên bị bệnh ở những vụ trước.

2. Trên cây ngô xuân: Sâu xám, nhậy hay (Sùng đất) gây hại giai đoạn cây con; sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn,... gây hại giai đoạn phát triển thân lá - chín; mức độ hại nhẹ đến trung bình. Bệnh lùn sọc đen có thể xuất hiện gây hại cục bộ; chuột gây hại mạnh ở giai đoạn trỗ cờ, phun râu - chín sáp.

3. Trên cây rau: Sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rệp, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, ...  gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng; chuột gây hại mạnh ở giai đoạn phát triển thân lá -  thu hoạch.

4. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá, bệnh thối búp, ... gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng (Các huyện có diện tích chè lớn của tỉnh cần lưu ý như: Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Lập, ...). Trong đó lưu ý từ tháng 3 - 5 các đối tượng: Rầy xanh, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh phồng lá chè.

5. Trên cây ăn quả:

- Đối với cây bưởi: Sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, sâu đục thân, đục cành, sâu đục quả, nhện đỏ, bệnh chảy gôm, bệnh loét, bệnh sẹo, ... gây hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Nếu thời tiết mưa ẩm nhiều trong tháng 2 - 3 lưu ý phòng trừ bệnh thối hoa, quả; tháng 4 - 6 lưu ý phòng trừ nhện hại quả, sâu đục thân cành; đối với diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản lưu ý phòng trừ sâu vẽ bùa, bệnh sẹo, loét, ....

- Đối với nhãn, vải lưu ý nhện lông nhung, bọ xít nâu, bệnh sương mai, ... Mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.

6. Trên cây lâm nghiệp: Châu chấu tre lưng vàng phát sinh gây hại đầu tháng 4 trên các rừng tre, luồng và trên ngô, lúa; các huyện đã phát sinh các năm trước cần chú ý: Đoan Hùng, Tam Nông, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba. Ngoài ra cần theo dõi sâu xanh hại bồ đề; bệnh chết ngược, bệnh héo ngọn, khô cành, bệnh thối thân, sâu nâu ăn lá hại keo; mối, bệnh khô cành, đốm lá hại bạch đàn; Kiến, mối, bọ hung, sâu xám, sâu ăn lá, bệnh phấn trắng, héo rũ, ... gây hại nhẹ cây con giai đoạn trong vườn ươm.

III/ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

- Tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp tại Kế hoạch số 4848/KH-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch ứng dụng quản lý dịch hại giai đoạn 2016 - 2020, năm 2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT và các huyện, thành, thị đã ban hành.

- Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu giống, thời vụ, cây trồng, theo đúng lịch, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; coi trọng  các biện pháp canh tác (Mở rộng diện tích áp dụng SRI đảm bảo từ 4 - 5 nguyên tắc, gieo sạ hàng trên lúa và áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè,...) kết hợp biện pháp thủ công (ngắt ổ trứng sâu, bắt sâu non, bắt ốc bươu vàng,...), ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc và thuốc đặc hiệu có độ độc thấp để phòng trừ. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, chỉ phun khi trên ruộng có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ, chú ý thời gian cách ly khi thu hoạch, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

- Thực hiện tốt việc điều tra, dự tính, dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô và mức độ gây hại của từng đối tượng sâu bệnh hại chính trong vụ, nhất là cao điểm sâu bệnh đối với lúa trong tháng 4, tháng 5. Ra thông báo, tham mưu đề xuất các chủ trương, biện pháp phòng trừ kịp thời có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất.

- Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ khuyến nông cơ sở làm công tác bảo vệ thực vật để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý tốt việc kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trong tỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa, ngăn chặn kịp thời, không cho sinh vật lạ xâm nhập, phát tán, lây lan gây hại trên địa bàn.

- Tổ chức tốt các đợt diệt chuột tập trung trong vụ chiêm xuân theo Công văn số 1795/SNN-BVTV ngày 17/10/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường phòng, chống, diệt chuột bảo vệ mùa màng.

IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai Phương án BVTV vụ Chiêm xuân 2016 - 2017 đến các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan.

- Trên cơ sở Phương án này, đề nghị Trạm BVTV các huyện, thành, thị cụ thể hoá và tham mưu cho UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai đến xã, phường, thị trấn và HTX trên địa bàn.

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi Phương án trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và thực hiện.

Trên đây là Phương án BVTV vụ Chiêm xuân 2016 - 2017, Chi cục BVTV đề nghị UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị trong ngành quan tâm, phối hợp, chỉ đạo để công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật đạt hiệu quả, đảm bảo sản xuất vụ Chiêm xuân thắng lợi./.

 

Nơi nhận:

- Cục BVTV, TT BVTV phía Bắc  (b/c);

- GĐ, PGĐ Sở: Ô. Anh  (b/c);

- UBND các huyện, thành, thị;

- Lãnh đạo, các phòng, trạm Chi cục  (s/i);

- TBB Website Chi cục (để đăng);

- Lưu: KT, VT (19b).

KT. CHI CỤC TRƯỞNG

PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Trường Giang

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn