Thứ Tư, 24/4/2024
Thông báo Tình hình dịch hại 07 ngày trên lúa và biện pháp phòng trừ (Từ ngày 02/5 đến 08/5/2019 và dự báo trong 7 ngày tới)
Gửi bài In bài

Hiện nay, trà lúa xuân trung đang trong giai đoạn thu hoạch, trà lúa xuân muộn đang chín sữa - chín sáp. Qua điều tra dịch hại tuần 19, Chi cục Trồng trọt và BVTV thông báo kết quả tình hình dịch hại, dự báo 7 ngày tới và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH DỊCH HẠI VÀ DỰ BÁO 7 NGÀY TỚI:

1. Rầy nâu, rầy lưng trắng:

* Hiện tại: Rầy tiếp tục gây hại cục bộ tại một số huyện, thành, thị. Mật độ rầy phổ biến 40 - 230 con/m2, cao 420 - 980 con/m2, cục bộ 1.200 - 2.280 con/m2 (Yên Lập, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba); Diện tích nhiễm 899,5 ha, trong đó: Nhiễm nhẹ 834,7 ha, trung bình 64,8 ha. Diện tích đã phòng trừ 249,7 ha.

* Dự báo: Trong kỳ tới, thời tiết được dự báo trời có nắng mưa xen kẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho rầy tiếp tục tích lũy và gia tăng mật độ, gây hại cục bộ trên diện tích lúa xuân muộn đang giai đoạn chín sữa - chín sáp. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Lâm Thao, Phù Ninh, Hạ Hòa,....

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại ở hầu hết các huyện, thành, thị. Tỷ lệ bệnh phổ biến 1,8 - 9,4%, cao 10,4 - 25,8%, cục bộ 30% (Lâm Thao, Thanh Sơn). Diện tích nhiễm 1.650 ha (Nhiễm nhẹ 1.472,9 ha, trung bình 177,1 ha. Diện tích đã phòng trừ 177,1 ha,

* Dự báo: Bệnh tiếp tục phát triển, lây lan và gây hại, nhất là trên diện tích lúa đang chín sữa đến chín sáp. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối.

3. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh phát sinh và gây hại rải rác tại một số huyện, thành, thị; tỷ lệ bệnh phổ biến 0,8 - 2,2%, cao 7,2 - 8,0%, cục bộ 20 - 22% (xã Mạn Lạn - Thanh Ba). Diện tích nhiễm 0,5 ha (Chủ yếu nhiễm nhẹ); diện tích đã phòng trừ 0,5 ha.

* Dự báo: Trong điều kiện trời có mưa rào kèm theo dông, lốc, bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh và gây hại. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là trên diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh. Các huyện cần chú ý: Thanh Ba, Phú Thọ, Hạ Hòa, Phù Ninh, Cẩm Khê,...

4. Bệnh đạo ôn cổ bông:

* Hiện tại: Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại rải rác trên trà lúa xuân trung đang trong giai đoạn thu hoạch.

* Dự báo: Hiện nay, do ảnh hưởng của áp cao lục địa suy yếu và lệch đông nên trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mua phùn có nơi mưa to, rải rác có dông và kèm theo đó trời mát, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên trà muộn, mức độ gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, cần tiếp tục phòng trừ. Các huyện cần chú ý: Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, ...

Ngoài ra: Cần theo dõi sâu đục thân, bọ xít dài gây hại khu ruộng ven rừng, đồi gò, ruộng lúa thơm trỗ muộn.

II/ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

Để tiếp tục chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả trên trà lúa xuân muộn bảo vệ an toàn cho sản xuất vụ chiêm xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các huyện, thành, thị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đôn đốc cán bộ KNCS và nông dân bám sát đồng ruộng, kiểm tra, phân loại ruộng. Đối với lúa đã chín, khẩn trương chỉ đạo thu hoạch sớm với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng" để tránh điều kiện thời tiết xấu (mưa, lũ, dông lốc, ngập úng, ...). Đối với diện tích lúa đang chín sữa - chín sáp, tiếp tục phòng trừ triệt để các đối tượng sâu bệnh:

- Rầy các loại: Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 (30 - 40 con/khóm) cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, ví dụ: Chersieu 75 WG, Excel Babsac 600 EC, Superista 25 EC, Nibas 50 EC, ....  Cần lưu ý trên diện tích lúa đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp cần phải rẽ băng từ 0,8 - 1m phun kỹ vào gốc lúa.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Chevin 5SC, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Sau mưa dông, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP...). Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần cách nhau 5 ngày).

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Trên diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, cần phải phòng trừ ngay đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ như: Fu-army 30WP, 40EC, Filia 525SE, Ka-bum 650WP, Funhat 40WP,.... phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá và trên cổ bông.

-  Ngoài ra: Cần tiếp tục theo dõi sâu đục thân, bọ xít dài và các đối tượng khác trên cây trồng để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Chú ý: Chỉ sử dụng thuốc BVTV có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì; thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định của địa phương.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ thông báo và kính đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo./.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn