Thứ Sáu, 26/4/2024
Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI)
Gửi bài In bài

1. Kỹ thuật làm mạ:

Gieo mạ trên nền đất cứng bằng cách lấy bùn ở ruộng lúa hoặc ruộng rau màu (không lấy bùn ao hoặc kênh mương có nước thải sinh hoạt). Sau đó rải bùn đều thành luống trên nền đất cứng hoặc sân gạch với độ dày 3 – 3,5 cm, luống rộng 1 - 1,2 m, mặt luống phẳng. Để cấy cho 1 sào lúa cần chuẩn bị diện tích đất mạ 3,5 - 5 m2, lượng hạt giống gieo 0,35 - 0,5 kg. Phân bón cho 10 m2 mạ là 0,4 - 0,5 kg super lân (không nên bón đạm cho mạ). Kỹ thuật ngâm ủ giống như bình thường, sau đó gieo hạt giống đã nảy mầm thật đều, thưa trên mặt luống (gieo thưa sẽ giúp cây mạ to, đanh dảnh, sinh trưởng khỏe). Luôn giữ cho mặt luống đủ ẩm, không đọng nước. Đối với mạ ruộng cách làm tương tự.

2. Kỹ thuật làm đất ruộng cấy: Đất ruộng cấy phải được cày bừa kỹ, ruộng nhuyễn bùn, sạch cỏ, bằng phẳng. Ruộng để lắng bùn 1 - 2 ngày, sau đó làm luống rộng 2 mét, rãnh rộng 20 - 30 cm sâu 15 - 20 cm. Để làm rãnh nhanh và giảm công sức lao động, sử dụng các vật nặng như túi đất, túi cát, xô ... kéo mạnh, bùn sẽ gạt sang hai bên luống tạo thành rãnh luống.

3. Kỹ thuật cấy:

Cấy mạ non khi tuổi mạ cấy từ 1,8 - 2 lá (khoảng 7 ngày sau gieo là có thể cấy được). Mạ khi cấy phải hạn chế tổn thương bộ rễ: dùng xẻng xúc nhẹ thành từng miếng, sau đó vận chuyển ra ruộng tránh không bị dập nát. Dùng tay tách từng dảnh mạ đặt nhẹ nhàng lên mặt ruộng theo khoảng cách đã xác định. Không nhổ mạ để cấy, mạ xúc cần đem đi cấy ngay trong ngày.

Cấy thưa, cấy 1 dảnh/khóm. Mật độ cấy tuỳ thuộc vào đặc tính của giống, chân đất, khả năng rút nước khi cấy. Các giống đẻ khoẻ hoặc đất giàu dinh dưỡng, mật độ cấy tối thiểu 20 khóm/m2, tối đa không quá 36 khóm/m2; các giống đẻ kém hoặc đất nghèo dinh dưỡng, mật độ cấy tối thiểu 25 khóm/m2, tối đa không quá 42 khóm/m2. Cấy mật độ 25 khóm (dảnh)/ m2, khoảng cách 20 x 20 cm (vuông mắt sàng), mật độ 30 khóm (dảnh)/ m2, khoảng cách 18 x 18 cm, mật độ 35 khóm (dảnh)/ m2, khoảng cách 16,5 x 16,5 cm. Mật độ cấy tốt nhất đối với lúa lai là 30 khóm/m2, lúa thuần là 35 khóm/m2.

4. Phân bón: Tùy theo điều kiện canh tác từng nơi, áp dụng lượng phân bón cho phù hợp, có thể tham khảo lượng phân và cách bón sau:

* Lượng phân bón: Phân chuồng hoai mục: 200 – 300 kg/sào; NPK(5:10:3): 10 - 15 kg/sào; đạm Urê: 5 - 6 kg/sào; Kaliclorua: 4 – 5 kg/sào.

* Cách bón: Bón lót (trước khi bừa lần cuối): 100% phân chuồng + 100% phân NPK(5:10:3) + 30% đạm Urê. Bón thúc đẻ nhánh (sau cấy 5 – 7 ngày): 50% đạm Urê + 50% Kaliclorua; đối với chân đất cát pha, thịt nhẹ cần phải chia bón thúc đẻ 2 lần. Bón đón đòng (sau cấy 35 – 40 ngày): bón nốt 50% lượng Kali còn lại; riêng đối với đạm Urê phải xem xét màu sắc lá lúa để quyết định số lượng cần bón, nếu lúa vàng xanh bón nốt 20% lượng đạm còn lại, nếu lúa xanh bón 0,5 - 1 kg đạm Urê/sào.

5. Điều tiết nước (áp dụng cho những nơi chủ động tưới tiêu):

* Giữ nước: Lần thứ nhất, từ khi cấy đến khi bón phân thúc đẻ nhánh, kết hợp làm cỏ sục bùn xong, giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 2 cm. Lần thứ 2, từ khi lúa đứng cái đến khi lúa chắc xanh hay trước thu hoạch khoảng 15 ngày, giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 3 cm.

* Rút nước: Lần thứ nhất, sau khi bón phân thúc đẻ nhánh và làm cỏ đến khi lúa bắt đầu đứng cái tiến hành rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ (đi vào ruộng chỉ hơi lún đất, không bị lấm chân). Nếu ruộng khô thì tưới ẩm vào các rãnh, không giữ nước trên ruộng. Lần thứ 2, từ khi lúa chắc xanh hay trước thu hoạch khoảng 15 ngày đến khi thu hoạch, rút kiệt nước triệt để cho ruộng ở mức độ nẻ (đi vào không lún chân).

6. Phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại: Thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu bệnh sớm và phòng trừ kịp thời, chỉ phun thuốc khi mật độ sâu đến ngưỡng có khả năng gây ảnh hưởng đến năng suất lúa. Làm cỏ, diệt cỏ sớm bằng biện pháp thủ công,   hạn chế phun thuốc trừ cỏ do cấy mạ non sẽ ảnh hưởng tới sinh trưởng của lúa.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn