Thứ Sáu, 27/12/2024
Chủ động phòng trừ sâu đục quả bưởi
Gửi bài In bài

Những năm gần đây, loài này đã gây hại ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người trồng bưởi tại tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước và khắp các vùng cây có múi đồng bằng sông Cửu Long.

     Tại tỉnh ta, vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng đã xuất hiện sâu đục quả gây hại, được phát hiện lần đầu vào cuối năm 2012 tại thôn 6, thôn 13 của xã Bằng Luân. Sâu non khi mới nở đục ngay vào vỏ quả ăn phần xốp, sâu lớn dần rồi đục vào thịt quả, gây thối làm rụng quả với tỷ lệ hại từ 1 – 3 % số quả, cá biệt có những cây hại rất nặng trên 20%, ảnh hưởng lớn tới năng suất và sản lượng quả. Qua điều tra ban đầu, đây là đối tượng mới, được di thực từ Miền Nam ra theo các hộ kinh doanh buôn bán bưởi da xanh, bưởi năm roi ven đường quốc lộ đi Yên Bái có lẫn quả bị nhiễm sâu vứt ra ven đường, sâu non tiếp tục lớn và trưởng thành phát tán đẻ trứng, gây hại tại các vườn bưởi của xã Bằng Luân trong vụ bưởi 2012.

Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các phòng ban của huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ đối tượng; Ngày 20/4/2013, phát hiện trưởng thành (bướm) sâu đục quả bưởi xuất hiện và bắt đầu đẻ trứng trên quả bưởi non tại các vườn hộ thuộc xã Bằng Luân. Như vậy, bước đầu nhận định: Sâu đục quả bưởi đã qua đông tại địa bàn huyện Đoan Hùng và gây hại tại các xã Bằng Luân, Quế Lâm, Phương Trung, Minh Lương... Trạm BVTV huyện đã đặt điểm điều tra và hàng tuần tổ chức điều tra, DTDB, tham mưu cho UBND huyện Đoan Hùng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn để phổ biến, hướng dẫn nông dân phòng trừ. Do nhận định nguồn lây nhiễm từ bưởi quả du nhập nơi khác đến, UBND huyện tổ chức Hội nghị quản lý, kinh doanh bưởi tại xã Bằng Luân nhằm quy định và hướng dẫn biện pháp hạn chế nguồn sâu tiếp tục di thực. Bên cạnh đó, Trạm BVTV tăng cường tổ chức tập huấn cho các chủ vườn, viết bài tuyên truyền, phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình huyện xây dựng tin, bài tuyên truyền về tình hình sâu đục quả bưởi và biện pháp phòng trừ. Chi cục phối hợp các phòng ban của huyện tổ chức thanh kiểm tra các hộ kinh doanh bưởi trên địa bàn huyện; Nhắc nhở, hướng dẫn các hộ thu gom quả bị sâu đục quả đem tiêu hủy, hạn chế nguồn sâu lây lan, gây hại. Đồng thời đã thu thập mẫu, nuôi sâu theo dõi vòng đời trong phòng thí nghiệm; Kết quả bước đầu: Sâu non từ 12-13 ngày, hóa nhộng dưới đất từ 6 - 8 ngày thì vũ hóa cặp đôi giao phối, sau đó đẻ trứng tiếp tục lứa sâu mới.

     Vụ bưởi năm nay, do chủ động trong công tác phòng trừ, tại các xã vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng đã hạn chế thiệt hại do sâu đục quả gây ra. Kết quả điều tra đến ngày 14/7/2013, các xã có bưởi đã thực hiện tốt việc phòng trừ sâu đục quả, điển hình như xã Bằng Luân, Phương Trung, Quế Lâm không phát hiện thấy bưởi bị sâu đục quả. Tuy nhiên, một số xã khác (Minh Lương) còn những hộ chưa chú trọng đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, tỷ lệ quả bị sâu đục quả gây hại rải rác. Kết quả phòng trừ trên chỉ là bước đầu bởi thời gian từ nay đến lúc thu hoạch quả còn dài. Hai nữa, vòng đời của loài sâu này bước đầu nhận định chỉ hơn một tháng là đã kết thúc lứa và trưởng thành xuất hiện đẻ trứng nở lứa sâu mới. Thứ ba, trưởng thành đẻ trứng ngay trên vỏ quả, khi sâu non nở vào buổi sáng chỉ sau 1- 2 giờ là đục ngay vỏ quả để chui vào bên trong gây hại, rất khó phòng trừ.

     Hạn chế sâu đục quả làm giảm năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng, trước mắt cần làm giảm khả năng lây lan của đối tượng này bằng cách tuyên truyền để các chủ vườn thu nhặt quả rụng do sâu đục quả gây ra ngâm trong nước vôi nồng độ 1% ít nhất 24 giờ hoặc phơi nắng 4 -5 giờ sau đó đem chôn quả để diệt sâu non. Vụ quả năm sau khi quả to bằng quả chanh nên sử dụng màn lưới làm túi bao quả là hiệu quả nhất. Nhân thả hoặc tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển vì kiến vàng ăn trứng sâu, sâu non và quấy rối sự đẻ trứng của bướm. Có thể tạm thời sử dụng thuốc BVTV gốc Phenthoate (Dimephenthoate) hoặc Fenvalerate để phun trừ và nên phun ở giai đoạn trước nở hoa và giai đoạn quả non; phải sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly. Sâu đục quả bưởi là đối tượng mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, cơ quan chuyên môn cần có nghiên cứu, theo dõi, quản lý đối tượng này một cách bền vững, có như vậy mới giúp các chủ vườn yên tâm đầu tư thâm canh.

      Để bảo đảm thương hiệu bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Đăng bạ xuất sứ hàng hóa và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn từ năm 2006. Trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền huyện Đoan Hùng đã quan tâm chỉ đạo,  đầu tư mở rộng diện tích bưởi đặc sản, mời gọi các cơ quan nghiên cứu, giúp đỡ đưa các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm hạn chế hiện tượng bưởi không ra hoa và rụng quả. Nhiều chủ vườn đã áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp, chú trọng biện pháp cắt tỉa, tạo hình tạo tán, bón phân cân đối, tưới ẩm hợp lý và thụ phấn bổ sung bằng nguồn phấn hoa từ các hoa bưởi khác giống nên tỷ lệ đậu quả cao lên rõ rệt, năng suất và chất lượng quả tăng, nhiều vườn bưởi ở Bằng Luân, Chí Đám đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng khi thu hoạch. Trước tình hình sâu đục quả bưởi gây hại, ảnh hưởng tâm lý người làm vườn, đề nghị UBND huyện Đoan Hùng cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh và phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, tăng cường quản lý các hộ kinh doanh buôn bán bưởi trên địa bàn, yêu cầu thu gom, xử lý triệt để các quả bưởi đã bị sâu đục nhằm hạn chế nguồn sâu di thực lây lan, cần có chế tài xử lý các hộ thực hiện không tốt.

Phạm Văn Hiển

Chi cục BVTV

THĂM DÒ Ý KIẾN

Theo bạn : Bố trí giao diện website đã hợp lý chưa?

Kết quả bầu chọn