Niềm vui được mùa của người dân xã Hương Nộn – huyện Tam Nông
Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) là tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ
Nông nghiệp và PTNT công nhận năm 2007. SRI gồm 5 nguyên tắc: Cấy mạ non; Cấy
thưa, ít dảnh và cấy nông tay; Bón thúc phân sớm và cân đối NPK kết hợp làm cỏ
sục bùn; Quản lý và điều tiết nước theo giai đoạn sinh trưởng; Tăng cường sử
dụng phân bón hữu cơ. Tại tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua, được sự quan tâm
của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, diện tích SRI
không ngừng tăng nhanh, nhất là từ năm 2012 khi có chính sách hỗ trợ mở rộng
SRI của UBND tỉnh. Năm 2015, diện tích SRI toàn tỉnh đạt trên 25 ngàn ha, chiếm
hơn 30% diện tích trồng lúa. Áp dụng SRI vào sản xuất đã đem lại hiệu quả rõ
rệt, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm việc sử dụng thuốc BVTV
trên đồng ruộng. Tuy nhiên, thực tế sản xuất những năm qua nông dân mới áp dụng
1 đến 2 nguyên tắc trong tổng số 5 nguyên tắc của SRI, do đó chưa phát huy hết
hiệu quả từ SRI mang lại.
Vụ mùa 2015, Chi cục BVTV phối hợp với các địa phương triển khai 7
mô hình áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI tổng diện tích 12,7 ha với sự tham
gia của 226 hộ nông dân tại các địa phương: Xã Thu Ngạc huyện Tân Sơn, xã Tứ Xã
huyện Lâm Thao, xã Hương Nộn huyện Tam Nông, xã Minh Tiến huyện Đoan Hùng, xã
Võ Miếu huyện Thanh Sơn, xã Đào Xá huyện Thanh Thủy và xã Văn Khúc huyện Cẩm
Khê nhằm tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân nâng cao hiệu quả áp dụng SRI
trên địa bàn tỉnh. Tham gia mô hình bà con nông dân được tập huấn, hướng dẫn,
hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các nguyên tắc SRI theo phương châm “cầm tay chỉ
việc”. Tiến hành gieo mạ thưa với lượng 1 kg giống cho 10m2 đất mạ,
cấy mạ non từ 2 - 2,5 để lúa nhanh hồi xanh, đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh khỏe; Cấy
thưa mật độ 35 khóm/m2, cấy mạ xúc 1
đến 2 dảnh để ruộng lúa thông thoáng thuận lợi cho cho cây quang hợp;
bón thúc đẻ sớm 7 ngày sau cấy ngay sau khi cây lúa bắt đầu ra dảnh mới kết hợp
làm cỏ sục bùn để hạn chế cỏ dại, cung cấp dưỡng khí cho đất giúp bộ rễ lúa phát
triển nhanh và nhanh ra lá mới, dảnh mới; Trong vụ tiến hành tưới và rút nước
xen kẽ 3 đến 4 lần theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nhằm kích thích bộ rễ
phát triển nhanh, tăng khả năng chống đổ, hút dinh dưỡng nuôi cây; tăng cường
sử dụng phân hữu cơ hoai mục giúp cải tạo đất, tăng độ phì và vi sinh vật có lợi giúp tăng khả
năng hút dinh dưỡng của cây lúa.
Kết quả các mô hình cho thấy, áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI cây
lúa nhanh hồi xanh, đẻ nhánh khỏe và tập trung, số dảnh hữu hiệu cao hơn so với
áp dụng SRI đại trà, trung bình đạt 7,6 dảnh/khóm cao hơn đại trà 0,2 – 0,3
dảnh/khóm. Trên các ruộng áp dụng đầy đủ nguyên tắc SRI lúa thông thoáng ít sâu
bệnh, cây lúa cứng cáp chống đổ tốt, bông to hạt mẩy, cho năng suất trung bình
đạt 244,7 kg/sào, cao hơn đại trà 31,1 kg/sào. Hạch toán kinh tế cho thấy các
mô hình cho lãi trung bình 450.200 đồng/sào (12,5 triệu đồng/ha), cao hơn đại
trà 230.200 đồng/sào (6,4 triệu đồng/ha).
Thành công của các mô hình là cơ
sở khuyến khích nông dân áp dụng tăng số nguyên tắc phát huy hiệu quả của SRI,
góp phần tăng năng suất lúa, tăng hiệu quả kinh tế,
giảm chi phí sản xuất và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích
ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương tái cơ cấu
ngành nông nghiệp trong những năm tiếp theo./.
Nguyễn Quang Hưng
Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ